Trang Lưu Trữ Hình Ảnh
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Trang Lưu Trữ Hình Ảnh

Huế
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng Nhập  

 

 TRANG TỬ NAM HOA KINH

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin



Tổng số bài gửi : 842
Join date : 23/02/2014

TRANG TỬ NAM HOA KINH Empty
Bài gửiTiêu đề: TRANG TỬ NAM HOA KINH   TRANG TỬ NAM HOA KINH Empty28/3/2014, 10:16 am

 TRANG TỬ

TRANG TỬ NAM HOA KINH Laotu3gifTRANG TỬ NAM HOA KINH 20chutiendaoTRANG TỬ NAM HOA KINH Taoist


Trang Tử Nam Hoa Kinh[/size][/b]



TRANG TỬ NAM HOA KINH Hoa



Trang Sinh hiểu mộng mê hồ điệp...



 



Biển bắc có con cá tên là Côn, lớn không biết mấy ngàn dặm. Nó biến thành con chim tên là Bằng, lưng của con chim Bằng lớn cũng không biết mấy ngàn dặm. Khi con chim Bằng ấy vỗ cánh bay lên cao, hai cánh nó lớn như đám mây che cả bầu trời. Loài chim ấy, khi biển động, sóng lớn gầm gào, nó liền chuyển về biển nam. Chỗ biển nam ấy là một cái ao vĩ đại do thiên nhiên tạo thành.
Một con ve và một con chim nhỏ cười chim Bằng rằng: "Ta cố sức bay lên cây du, có lúc bay không tới nơi đã rơi xuống cũng chẳng sao, việc gì cần phải bay cao chín vạn dặm đến biển Nam làm gì?.
Người đi đến cánh đồng ngoài chân thành, chỉ cần chuẩn bị ba bữa cơm là đủ quay về, bụng vẫn còn no, còn nếu muốn đi xa nơi trăm dặm thì cần chuẩn bị lương thực một ngày, nếu muốn đi xa ngàn dặm, cần chuẩn bị lương thực ba thăng. Hai con vật nhỏ bé ấy mà biết cái gì?
Tề vật luận: Nghĩa là luận về sự bình đẳng của vạn vật. Thiên gồm nhiều bài luận triết có giá trị, được nhiều người cho là quan trọng và là thiên huyền diệu nhất trong nội thiên. Theo Trang tử, muốn đạt tới sự Tiêu dao du thì phải xem vạn vật bình đẳng, xem rộng ra sẽ thấy sống chết như nhau, giàu nghèo không khác, xấu đẹp cũng vậy... Từ đó sẽ thấy tham sống, tham giàu, tham đẹp... là sai, vì mỗi hoàn cảnh, mỗi vật có một giá trị riêng của nó, tất cả đều nằm trong Đạo. Trang tử còn nói lên sự vô ích của tranh luận trong đoạn văn thứ 12: hai người tranh luận, đều tự cho mình là phải, vậy tranh luận làm gì ? Mời người thứ ba đến lại càng làm cho sự việc thêm khó giải quyết nữa, vì người thứ ba cũng sử dụng quan điểm riêng của mình để phân phải trái. Càng tranh biện càng làm cho chân lý mờ tối, vì thành kiến: "Đạo bị thành kiến nhỏ nhen che lấp, lời nói bị sự hoa mỹ phù phiếm che lấp". Ông đưa ra 1 thuyết nói về sự tương đối của vạn vật, vạn vật đồng nhất, chỉ tại thành kiến mà trông như khác; 1 vật vô dụng ở chỗ này nhưng hữu dụng ở chỗ khác, nơi này thấy xấu nhưng nơi kia thấy đẹp.
Trong phần Tề vật luận có bài cuối cùng thường được người sau gọi là Mộng hồ điệp, hay Trang Chu mộng hồ điệp là một đoạn văn nổi tiếng kim cổ. Câu "Không biết Châu chiêm bao là bướm hay bướm chiêm bao là Châu" (不知周之夢為胡蝶與?) rất thú vị, với lẽ "Bướm chiêm bao là Châu" thì cả cuộc đời phức tạp chỉ nằm trong một giấc mơ của con bướm mà thôi. Nguyên văn:







TRANG TỬ NAM HOA KINH I_up_arrow TRANG TỬ NAM HOA KINH I_down_arrow





III. CHÂN TƯỚNG TRANG TỬ

Muốn hiểu tư tưởng Trang, phải biết chân tướng của Trang là gì. Xưa nay người ta thường cho rằng Trang Tử là một triết gia, thích sống đời sống phóng khoáng. Có người lại nói cho Trang là một nhà biện luận có tài như Công Tôn Long, hay Huệ Tử. Đánh giá Trang như vầy là rất thấp.

Vậy Trang Tử là ai? Từ lâu đọc Lão Trang, tôi vẫn đinh ninh rằng các Ngài là:

- Những nhà Huyền học (Mystiques), nói theo từ ngữ Âu Châu, Những bậc tiên thánh đã siêu phàm, thoát tục, nói theo từ ngữ Á Châu.

- Những vì Thiên dân (Canh Tang Sở, 22-D) hay Thiên tử (Nhân gian thế, IV, A) hay Chân nhân (Đại Tông sư, 6-A), hoặc Chí nhân, Thần nhân hay Thánh nhân (Tiêu diêu du, 1-C) theo lời Trang tử. Trang Tử cũng là một nhà Huyền học, một bậc chí nhân như Lão tử.

Chương Thiên hạ trong sách Nam Hoa Kinh bình về Trang Tử như sau: «Trên thời vui chơi cùng đấng Tạo Hóa, dưới thời bè bạn với những người đã thoát vòng sinh tử, thủy chung…»

Như vậy muốn hiểu Trang tử, phải hiểu thế nào là một nhà Huyền học, thế nào là một bậc Chí nhân.

Huyền học (Mystique) hay Chí nhân hay Chân nhân là những danh từ tặng cho những ai có một đời sống siêu nhân, mãnh liệt, y thức như đã tiếp xúc được với luồng huyền lực vô biên của vũ trụ.

Nhà Huyền học là người:

- Có tâm thần rất thông minh, tinh tế,

- Nhìn thấy Đạo, thấy Trời nơi tâm khảm mình.

- Nhận thức được tấn tuồng biến thiên, ảo hóa của vũ trụ cũng như của lịch sử nhân quần.

- Cố tu luyện, cố thanh lọc tâm thần để đi đến chỗ cao minh, linh diệu.

- Sống phối hợp với Trời, coi mình như một hiện thân của Thượng Đế.

Các nhà Huyền học Đông cũng như Tây, đều tin tưởng rằng sau bức màn hiện tượng biến thiên, chất chưởng, còn có một bản thể siêu việt tuyệt vời.

Các Ngài không biết dùng danh từ gì để mô tả Tuyệt đối ấy cho hay, cho phải, cho nên hoặc là tuyên bố mình bất lực trước Tuyệt đối vô biên ấy, hoặc là dùng những danh từ tiêu cực, mơ hồ để diễn tả, để đề cập đến Tuyệt đối thể ấy.

Các Ngài cho rằng con người sinh ra phải tìm về cho được tới nguồn mạch thiêng liêng, huyền diệu ấy, và tất cả các sự biến thiên của vũ trụ lúc chung cuộc cũng kết thúc trong đại thể vô biên, vô tận ấy.

Mà nguồn mạch linh thiêng huyền diệu ấy đã tiềm ẩn ngay trong lòng con người. Con người chỉ việc lắng lòng lại, chỉ việc thu thần định trí nhìn sâu vào tâm khảm mình sẽ tìm ra được Bản thể siêu việt huyền nhiệm ấy.

Khi đã đạt tới cõi tâm linh siêu vi huyền nhiệm ấy, con người sẽ thoát được mọi trạng thái vong thân, và vươn lên bên trên cái thế giới tương đối đầy mâu thuẫn như: Thị phi, thiện ác, sinh tử, và thoát ly được hết những gì hữu hạn, nhân vi, kiềm tỏa con người.

Khi đã đạt tới cõi tâm linh ấy, thì lập tức cũng sẽ thâm nhập, hòa đồng được với cõi vô biên man mác, và chính nhờ đó mà con người lấy lại được cái phẩm giá vô song của mình. Vì nhận ra được chiều kích mênh mông vô hạn, vì nhận ra được giá trị vô biên của mình, con người sẽ sống hồn nhiên, tiêu sái, thảnh thơi, hạnh phúc…

Tóm lại, một con người đi trên con đường huyền học lúc nào cũng lo trau chuốt nhân cách, cố sống sao cho tinh ròng viên mãn, để có thể rung cảm, để có thể hòa nhịp, hòa đồng được với Đạo, với vũ trụ chi tâm.

Nếu một nghệ sĩ dùng tài nghệ mình, tâm linh mình mà khám phá ra được và diễn tả ra được Thần linh hay Thái hòa tiềm ẩn trong đáy lòng vũ trụ, trong đáy lòng vạn vật, khiến cho người khác cũng thưởng thức và được cảm thông với nguồn mạch huyền linh ấy một phần nào, thì các nhà huyền học có bổn phận khám phá ra và diễn tả lại Thần linh ngự trị nơi đáy lòng mình, bằng lời lẽ, bằng đời sống, để những người bàng quan cũng được cùng mình chia sẻ sự cảm thông, hòa hợp ấy…

Gần đây, có dịp đọc quyển Sáng tạo và Lão giáo (Creativity and Taoism) của Trương Trung Viên (Chuang Chung Yuan), tôi thấy tác giả cũng có những nhận định tương tự như vậy về Lão, Trang. Trương Trung Viên viết: «Đối với Lão, Trang, đạt tới bản thể tuyệt đối là vào được lãnh vực siêu việt vô cùng, vào được cảnh giới hư vô, nơi đó ta có thể cảm thông được với vạn hữu…

«Chúng ta có thể đi vào cảnh giới hư vô bằng Điềm hay bằng Trí. Điềm là Điềm đạm Hư vô, Phật gia gọi thế là Định. Trí là Huệ hay Bát nhã…»

«Điềm tĩnh là phương pháp tiệm tu. Tuệ trí là phương pháp đốn ngộ. Hai phương pháp này đều được đạo Lão mô tả, và cũng có một mục đích là để vào được cảnh giới Hư vô…

«Hư vô có thể là Thiên quang, hay là Thuần phác hỗn độn. Đó là hai phương diện của một Thực thể.»

«Cho nên muốn tiến vào được cảnh giới Hư vô, Vô thức Đại đồng, vào tới Thiên chân Bản thể, phải có chân trí huệ. Trí huệ mới là chiếc chìa khóa để mở cửa Đạo, để phanh phui ra được mọi kỳ bí của Hư vô, ở nơi đó không còn phân biệt nhĩ ngả, ở nơi đó vạn sự, vạn hữu là một…»

Vào trong cảnh giới hư vô, vì cảm thông được với vạn hữu, nên coi mọi sự như một, hòa hợp tuyệt đối, hết còn phân nhĩ ngã…

Như vậy, nhờ điềm đạm hư vô, nhờ trí huệ, con người sẽ chuyển hóa được mình, sẽ cảm thông được với vạn hữu.

Trang Tử cũng chủ trương cần phải thoát ly mọi ràng buộc của thế giới biến thiên, mọi giá trị tương đối của ngoại cảnh. Càng rũ bỏ được cái phù du, hư ảo bao nhiêu, thì càng đạt được đời sống đích thực bấy nhiêu…

Như vậy, đối với Trang tử, Chân nhân hay là con người giác ngộ là con người đã phá vỡ được cái kén Tiểu ngã, để hòa mình với Đại ngã…

Những nét trên tưởng đã phác họa được chân tướng Trang tử.



IV. ĐẠI CƯƠNG HỌC THUYẾT TRANG TỬ

Trang Tử là một nhà Huyền học, nên lời lẽ của Ông, tư tưởng của Ông tuy là ẩn ước, bóng bảy, nhưng nếu chúng ta tìm được chốt then đường hướng của Ông, cũng như của đời Ông, ta sẽ thấy chúng trở nên hết sức rõ ràng.

Ông viết trong chương Ngoại vật:

«Có nơm là vì cá,

Được cá hãy quên nơm.

Có dò là vì thỏ,

Được thỏ hãy quên dò.

Có lời là vì ý,

Được ý hãy quên lời.

Ta tìm đâu được người biết quên lời

Hầu cùng nhau đàm luận.»

Thế tức là Ông muốn nhắn nhủ chúng ta đừng nên câu nệ về những lời nói của Ông, và bút pháp của Ông, đừng bận tâm đến:

- Chi ngôn (gặp đâu nói đó)

- Trùng ngôn (Gán lời mình cho một nhân vật lịch sử nào)

- Ngụ ngôn (Nói bằng thí dụ, sự tích, bóng gió, như trong chương Thiên hạ, F) nhưng phải chú trọng đến những tư tưởng của Ông, những chủ trương chính yếu của Ông.

Đại khái Trang Tử chủ trương:

- Vũ trụ này có hai phần:

1- Một là Đạo. Mà Đạo thời vô sở bất tại, vô biên tế, duy nhất bất khả phân, vĩnh cửu trường tồn. (ch. 6-f,g)

2- Hai là Hình tướng biến thiên, luẩn quẩn trong vòng tương đối, sinh tử. (ch. 6-s,f)

Hai đàng tuy vô cùng khác biệt, nhưng lại liên lạc hết sức chặt chẽ, hết sức mật thiết với nhau, đến nỗi có thể nói được là: Đâu có hiện tượng, thời ấy có Đạo, và như vậy cái hữu hạn vừa nằm trong cái vô cùng, lại vừa hàm chứa được cái vô cùng.

Từ trong lòng Đạo mà nhìn ra, thì muôn loài muôn vật là một, hoàn toàn giống nhau, vô cùng vô tận như nhau.

Từ trong cảnh giới hiện tượng mà nhìn ra thì muôn loài muôn vật hết sức khác nhau, biến thiên, phù du, ảo hóa. (ch. 5-a)

- Con người cũng như vũ trụ, có hai phần:

1- Một là Đạo thể vô biên tế bên trong.

2- Hai là con người phàm tục bên ngoài, với thất tình lục dục niệm lự biến thiên, trí thức, phán đoán thường nhật, thông thường, tử sinh vô định.

Thiên Thu Thủy 秋 水 có một câu bất hủ, tóm tắt được quan niệm này, đó là: Thiên tại nội, nhân tại ngoại. 天 在 內 人 在 外 (Thu thủy, A).

- Xã hội loài người, cũng có hai phần:

1. Một là Thiên nhiên. Thiên nhiên là cái gì thuộc về Thiên chân, Thiên tính, và như vậy chắc chắn là hoàn mỹ.

2. Hai là Nhân tạo. Mà nhân tạo là tất cả những gì do khối óc con người bày vẽ ra, cho nên dĩ nhiên là kém cõi, dĩ nhiên là vụng về, không thể nào đem lại hạnh phúc thật cho con người được. (ch. 11-f; 6-a)

Và dĩ nhiên, Ông chủ trương rằng con người đạo hạnh phải siêu xuất:

- Khỏi vòng hiện tượng có giới hạn, để vươn lên tới Đạo thể vô biên, vô hạn (ch. 17-a; 6-g; 12-i, k; 16-b)

- Khỏi vòng niệm lự, tri thức, nhận định gian trần để đạt tới siêu thức. (ch. 2-c)

- Khỏi vòng nhân vi, nhân tạo, để trở về với Thiên nhiên, vì nhân vi nhân tạo không thể nào đem lại hạnh phúc thực sự cho con người. (ch. 8-a,b,c,d; 9-a,b,c; 10-d; 11-a, 12-c; 13-b,c; 14-f; 17-a; 25-g)

Chính vì thế mà Ông đả kích tất cả những gì mà con người đã vời ra, bất kỳ về phương diện gì:

. Kiến thức (ch. 25-h)

. Luân lý (ch. 8-a; 17-a; 25-h)

. Chính trị (ch. 9-c; 10-a; 29-b)

. Nghệ thuật (ch. 9-a)

. Kỹ thuật, cơ khí, văn minh (ch. 12-k)

Ông hoàn toàn thoát sáo, thoát hết mọi khuôn khổ bên ngoài và cho rằng có vậy tâm thần mới được phiêu diêu khinh thoát.

Trang Tử không hề đả phá một cách tiêu cực, nhưng thực ra Ông tích cực dạy con người phải đi tìm cái cao siêu, vĩnh cửu, cái lý tưởng tinh hoa, dạy con người phải sống phối kết với Trời, với Đạo cùng trời đất trường sinh bất tử. Có như vậy mới là biết được cái đại dụng, cái vô dụng của cuộc đời. (ch.1)

Ông cũng chủ trương cái Tuyệt đối nằm sẵn trong lòng cái tương đối, cũng như thường xuyên bao trùm, khỏa lấp cái tương đối cho nên khi đã vươn lên tới cõi Đại nhất, Đại đồng, con người sẽ hóa giải được mọi chuyện phân biệt lăng nhăng do khối óc con người tự tạo ra.

Cho nên chủ trương của Ông là coi thường mọi chuyện đời tương đối, coi in một như nhau mọi cuộc biến thiên: Sống chết, vắn dài, xa gần, cao thấp, quí tiện, hay dở, phải trái, yểu thọ v.v… (ch. 2)

Trang Tử đưa ra hai phương pháp chính yếu để đạt tới Tuyệt đối. Đó là: Điềm và Trí (Thiện tính, 16-a)

Tư Mã Thừa Trinh (Ssu Ma Cheng Chen) một đạo sĩ thế kỷ 10, đã cho rằng chữ Trí (nơi thiên Thiện tính, a) tương đương với chữ Huệ (prajna); chữ Điềm (Thiện tính, 16-a) tương đương với chữ Định.

Trí (hoặc Minh) để nhìn thấu Bản thể.

Điềm (hoặc Định): tức là giữ Tâm bình tĩnh, tĩnh lãng.

Thế là từ Lão Trang với hai chữ Điềm, Trí ta có thể bước sang lãnh vực Thiền tông dễ dàng, vì Thiền tông cũng đã được tóm thâu trong hai chữ: Định (Dhyana) và Huệ (prajna).

Dẫu sao thì Trang cũng là người bàn về quan niệm Phối Thiên rõ ràng nhất, trong sáng nhất.

Trang Tử khẳng định: Người xưa sống hợp nhất với Trời.

Nơi chương Thiên hạ, Trang Tử viết: «Không lìa xa gốc gác thời gọi là Thiên nhân; Không lìa xa tinh hoa thì gọi là Thần nhân; Không lìa xa Chân thể hoàn hảo, thì gọi là Chí nhân… lấy Trời làm tông, lấy Đức làm gốc, lấy Đạo là cửa… đó là Thánh thần… Thần, Minh, Thánh, Vương đều cùng một nguồn mà ra…

Nơi chương Sơn Mộc, Trang Tử viết: Có người hỏi tại sao nói được Người với Trời là một. Trọng Ni đáp: Đã là người, tức là Trời… Sở dĩ người không là Trời, là do hành động riêng tư, cho nên thánh nhân điềm tĩnh hòa mình với đại hóa…

Nơi chương Tri Bắc Du, Khiết Khuyết hỏi Bị Y về Đạo. Bị Y bảo:

«Hãy giữ thân hình cho ngay ngắn,

Hãy tập trung tinh thần mà nhìn vào Duy nhất,

Trời sẽ hòa điệu với bạn.

Hãy thu nhiếp trí lự, hãy hợp nhất với Tuyệt đối,

Thần sẽ giáng trong lòng bạn,

Đức sẽ trở nên vẻ đẹp của bạn,

Đạo sẽ là nhà của bạn… Bạn hãy hồn nhiên, ngây thơ như con nghé mới sinh, đừng tìm duyên cớ mà chi…»

Trang Tử có lẽ là một trong những người đầu tiên trên thế giới mô tả được rõ ràng cái đạo Thánh nhân.

Nơi chương Canh Tang Sở, Ông viết: «Muốn được tĩnh lãng, hãy giữ cho khí bình. Muốn có thần, hãy giữ cho tâm thuận. Muốn làm cho phải, thì chỉ khi cần thiết, bất đắc dĩ mới làm. Chỉ bất đắc dĩ, mới chịu làm làm mới chịu bỏ trạng thái tĩnh lãng tâm thần, đó là đường lối thánh nhân vậy.»

Ông viết: «Giữ cho thần toàn vẹn là đạo thánh nhân.» Ông để Khổng Tử bình luận về những người theo đạo thánh nhân như sau: «Họ là những người theo thuật của ông Hỗn Độn. Họ chỉ biết Tuyệt đối, mà không biết tương đối. Họ chuyên trị tâm, mà không cần trị cảnh. Họ rõ được quang minh, về được với Thuần phác, Duy nhất. Họ vô vi tĩnh lãng để trở về trạng thái thuần phác nguyên thủy. Họ hòa đồng với Tính, ôm ấp lấy Thần…»

Trang Tử ngoài ra còn dạy chúng ta đừng để cho ngoại cảnh, cho thất tình, lục dục điên đảo, làm hư hoại tâm thần (ch. 5-c, f; Mỗi xuyến xao tâm thần là một tai họa, vì nó vừa làm giảm thọ con người, vừa làm cho chúng ta mất bình tĩnh trong sáng (23-

Trang Tử còn khuyên chúng ta nên an thời thuận xử (ch. 23-g,f) đừng bon chen vào chỗ công danh lợi lộc, đừng có kình chống với thiên nhiên, với tha nhân (ch.6-b; 33-b), có vậy mới được thảnh thơi hạnh phúc.

Lại nên sống thoát sáo (ch. 2; 3), có một đời sống cao đại, một tâm hồn thoát tục (ch. 11-e). Hãy rũ bỏ hình tướng hữu hạn, tâm tư hữu hạn mà băng lên sống trong lòng vô hạn, vô cùng (ch. 5-e; 11-e; 15-a,b; 16-b; 19-e; 22-e; 23-b,c; 24-h).

Ông ước mong cho muôn loài được phát triển theo căn cơ, theo thiên tính của chúng. (ch.2-a)

Thiên Biền mẫu viết: «Cẳng le thì ngắn, cố mà nối dài thì nó khổ. Chân hạc thì dài, chặt bớt thì nó đau, cho nên tính mà dài, không phải là cái nên chặt bớt, tính mà ngắn không phải là cái nên nối thêm: thế thì không có gì là lo.»

Tóm lại, thực đúng như trong Thiên hạ thiên đã nói: «Trang Tử trên thì vui cùng Tạo hóa, dưới thì bè bạn với những người đã thoát vòng sinh tử, thủy chung…»

Những lời nói của Trang Tử hết sức sắc bén, hết sức linh động, biến hóa. Lắm lúc ông có giọng châm biếm, như cợt, như đùa, nửa hư, nửa thực, nhưng chung qui, Ông chỉ muốn cho người đọc Ông có cái nhìn rộng hơn, lối sống hay hơn, lý tưởng hơn, nhất là bỏ được cái hữu hạn, để vươn lên tới vô cùng. (ch.6-j, g)

Lúc thì Ông vui miệng nói ngay (chi ngôn) lúc thì ông làm sống động lại các nhân vật lịch sử, và cho họ nói những lời mà Ông muốn (trùng ngôn), lúc thì Ông kể truyện ngụ ngôn (ngụ ngôn) (ch. Thiên hạ, 33-f), lúc thì Ông tranh luận, so sánh, lúc thì đàm thoại, lúc thì vấn đáp, tất cả đều có mục đích phá vỡ cái vỏ «ngã chấp» của ta, để chúng ta mở mắt ra nhìn thấy được khung trời nội tâm, khung trời bản thể vô biên vô tận.

Bất kỳ một hoàn cảnh nào, bất kỳ một câu chuyện gì, đối với Trang, cũng như là một chiếc bàn đạp, để tung mình lên cho tới cõi siêu vi.

Nhờ đó mà Trang không xa lìa đời sống hằng ngày, không xa lìa chúng nhân mà vẫn làm được công trình là giúp con người vươn lên trên những cái nhỏ hẹp của đời sống hằng ngày, đó là băng lên cho tới cõi u linh, huyền diệu.

Đọc Trang, ta thấy rằng nếu không thoát sáo, không thể nào có một đời sống nội tâm phong phú đích thực…

Chung qui, Trang Tử chỉ ước muốn chúng ta sống tiêu diêu, khinh thoát, trong cõi Tuyệt đối, vô cùng mà Ông gọi là:

. Cái nghề nghiệp vô vi (Vô vi chi nghiệp, ch.6-g)

. Cái làng không ở nơi đâu (Vô hà hữu chi hương, ch.I-f)

. Cánh đồng bao la rộng rãi (Khoáng mạc chi dã, ch.I-f)

Trang Tử chỉ ước muốn chúng ta trở thành những:

. Thần nhân

Thánh nhân

. Chí nhân (ch. I-c; 33-a)

. Chân nhân (ch. I-c; 2c, f)

. Những người đạt tới Chí đạo (ch. 11-c)

Mà chân nhân thì trên phải hòa mình được với Đại thể, dưới thì vui sống được với mọi người, mọi loài, mọi vật, với cảnh trí thiên nhiên, với mọi hoàn cảnh mình gặp (2h, 3abc, 5d v.v…)

Tâm hồn thì như làn nước lắng chiếu soi được trời đất nhân quần một cánh hết sức vô tư và chân thật. (13 a)

Đọc Trang, trước hết phải hiểu tinh thần của Trang, chủ trương của Trang.

Sách của Trang là một kho tàng châu báu, nhưng thay vì để kho tàng ấy chất đống vào một nơi, ông đem nó vung vãi ra trong một vùng lớn lao gồm 10.000 chữ, dấu chúng vào trong những ngụ ngôn, những huyền thoại những câu chuyện bông lông…

Ta hãy quên lời quên chuyện của Trang kể mà chỉ lưu tâm lượm lặt lấy những tư tưởng của Trang. Đó mới chính là những châu ngọc mà Trang dành cho chúng ta vậy.

V. LƯỢC DỊCH 7 CHƯƠNG TRONG NỘI THIÊN

I. TIÊU DIÊU DU

a. Hãy sống một cuộc đời huyền hóa với trời đất (đoạn a,b)

    Hồn ta hỡi, hãy tiêu diêu,

Tung đôi cánh rộng khinh phiêu chín tầng…

Hãy tung cánh chim bằng muôn dặm,

Cưỡi gió mây bay thẳng về Nam,

    Bay về quê cũ giang san,

Hồ trời vùng vẫy miên man thỏa tình.

b. Mặc cho miệng thế dèm pha, chỉ trích (đoạn a,b)

Mặc nhân thế rẻ khinh đàm tiếu,

Óc phàm phu sao hiểu chí nhân…

    Vùi thân trong chốn hồng trần,

Họ như ve, sẻ qua lần tháng năm.

Tầm mắt hẹp mà thân ti tiểu,

Kiếp phù du nào hiểu chi đâu,

    Thân lươn bao quản lấm đầu,

Cốt sao cho khỏi cơ cầu thì thôi,

Phận sâu bọ, đành rồi sâu bọ,

Thân nấm rêu nào rõ tuần trăng.

    Ve sầu nào biết thu xuân,

Minh linh ngoài mấy vạn năm hay gì?

Như Bành tổ có chi là thọ,

Mà chúng nhân quá cỡ tán dương.

c. Hãy sống thoát tục, vươn lên cao đại (đoạn c)

    Người vui tước phận lý hương,

Ngươi vui mũ áo xênh xang trị vì.

Kìa Liệt Tử thích đi mây gió,

Cưỡi gió mây đây đó thỏa lòng.

    Còn ta khinh khoát vô cùng,

Sánh vai nhật nguyệt, vẫy vùng khinh phiêu.

    Quên mình quên hết mọi điều,

Quên tên, quên hết bao nhiêu công trình.

Sống đời sống thần linh sảng khoái,

Như Hứa Do chẳng đoái công hầu.

    Uống ăn nào có chi đâu,

Mà lo với lắng cho rầu lòng ai.

d. Đời sống thần linh không phải là chuyện hoang đường (đoạn d)

Ta chẳng nói những lời phách lối,

Lời của ta đâu nỗi hoang đường.

    Lời ta minh chính đường hoàng,

Vì người không hiểu, trách quàng trách xiên…

    Kẻ mù tối sao xem mầu sắc,

Người điếc tai sao bắt âm thanh.

    Cho nên những kẻ vô minh,

Tối tăm ù cạc, ngọn ngành hiểu chi,

Sao biết được uy nghi sang cả,

Của những người huyền hóa siêu linh.

    Đất trời gồm tóm trong mình,

Lồng vào muôn vật sự tình nào hai.

Dẫu sóng cả ngất trời không đắm,

Dẫu nóng nung cũng chẳng làm sao.

    Trời mây mặc sức tiêu dao,

Cho dù Nghiêu, Thuấn dễ nào sánh vai…

e. Phải biết lợi dùng hết tầm kích của đời mình (đoạn e, f)

Kiếp sống nọ mấy ai biết dụng,

Biết cách dùng cho đúng, cho hay.

    Có dưa năm thạch trong tay,

Bổ ra năm bảy, dưa này vứt đi.

Như nếu biết để y như trước,

Dùng làm phao, sông nước nó băng.

    Đổi bất qui thủ lấy vàng,

Ngỡ là đã khéo tính toan lãi lời.

Ai ngờ nó giúp Ngô thắng Việt,

Giúp chủ nhân mãn kiếp vinh quang.

    Biết dùng thời thực mênh mang,

Dùng sai, dùng dở oán than nỗi gì.

Nhưng hay nhất là khi vô dụng,

Thoát vòng đời tù túng lợi danh.

    Sống trong Vô cực siêu linh,

Xa bề khổ ải, mặc tình nhởn nhơ…

2. TỀ VẬT LUẬN

    Ta và trời đất cùng sinh,

Ta và muôn vật sự tình chẳng hai.

Ta nào biết vắn dài, nhĩ ngã,

Lòng muôn phương, muôn ngả tỉnh say.

    Thênh thang chèo quế buồm mây,

Lòng trời lạc nẻo chốn này là đâu?

Nhạc trời tấu vui sầu muôn điệu,

Bóng quang huy phiêu diễu mung lung,

    Nơi đây ta dứt lòng trần,

Bạn cùng thần thánh, muôn phần hân hoan.

Triều nổi sóng muôn vàn ta mặc,

Lửa ngất trời phần phật ta khinh.

    Ta nay đã thoát điêu linh,

Thoát vòng sinh tử, tử sinh của đời.

Ta sống giữa lòng trời vĩnh cửu,

Ta sống trong khu nữu muôn loài.

    Vời trông thế sự vần xoay,

Ta nào còn biết bên này bên kia.

Tranh chấp hết, thị phi cũng hết,

Thị với phi phân biệt uổng công.

    Đã vài tới điểm đại đồng,

Trông ta trời đất mênh mông một màu.

Lớn với nhỏ in nhau một lứa,

Sống vắn dài cũng thủa phù sinh.

    Sợi lông bát ngát mênh mông,

Mà xem non Thái như tình cỏn con.

Kẻ chết yểu sống hơn trăm kiếp,

Còn Lão Bành yếu triết, tảo vong,

    Ta nay xếp mọi tơ lòng,

Hết niềm nhĩ ngã, sống trong lòng trời.

Nguồn mạch ấy chẳng vơi, chẳng cạn.

Mà tràn lan, lai láng rạt rào.

    Kho trời đã rõ tiêu hao,

Tiêu sao cho hết, dùng sao cho cùng.

Mặc tôm cá sống cùng tôm cá,

Mặc hươu nai nghĩa gá hươu nai,

    Mặc cho khỉ vượn sánh đôi,

Mặc cho trai gái tìm nơi tương phùng.

Ta tìm Đạo trong lòng vũ trụ,

Trong lòng ta ta cứ tìm Trời.

    Thương cho nhân thế miệt mài,

Lao đao lận đận suốt đời uổng công.

Những bôn tẩu mơ mòng ảo ảnh,

Khiến cho đời hiu quạnh gian truân.

    Nào hay ở giữa lòng trần,

Tấc thành đã sẵn muôn phần quang hoa.

Nơi chốn ấy chói lòa ánh sáng,

Cũng là nơi tĩnh lãng siêu nhiên.

    Là nơi sực nức hương tiên,

Rườm rà ta bỏ, tần phiền ta quăng.

Đừng biện luận nói năng chi nữa,

Biết nói sao, biết tả làm sao?

    Mênh mông bát ngát rạt rào,

Im hơi lặng tiếng mới cao, mới tài.

Ta quên hết hình hài ngôn ngữ,

Quên rằng ta còn có hay không.

    Lạ thay phong thái huyền đồng,

Rũ sao cho sạch tơ lòng mới nghe.

Sống khinh khoát muôn bề khinh khoát,

Cùng trăng sao bát ngát xa chơi.

    Lòng mang vũ trụ đất trời,

Cùng chư thần thánh muôn đời sống chung.

Sống mãi mãi vô cùng, vô tận,

Mặc trời mây chuyển vận quanh ta,

    Mặc cho trần thế bôn ba,

Vì ta đã được tinh hoa đất Trời…

Thử ướm hỏi đâu nơi dừng gót,

Đâu là nơi cùng tột phải đi?

    Ta nay truyền lẽ huyền vi,

Có Trời lập tức hết kỳ bôn ba.

Được Trời, Đạo ấy là đạt đích,

Hết lần mò tầm mịch lăng nhăng.

    Được Trời là được Thiên chân,

Chân nhân phải có Thiên quân đáy lòng.

3. DƯỠNG SINH CHỦ

    Muốn cho đời sống khinh phiêu,

Bớt điều háo hức, bớt điều bon chen.

    Chớ lo mua chuốc lời khen,

Cũng đừng đọa lạc tội khiên gông cùm.

    Sao cho trong ấm ngoài êm,

Đề huề gia đạo, chu tuyền tấm thân.

    Chớ xông vào chỗ gian truân,

Tránh điều tranh chấp, giành phần hơn thua.

    Kìa xem thủ thuật mổ bò,

Cố tìm khớp trống, mới lùa lưỡi dao.

    Nơi không chống đối mới vào,

Chỗ nào cứng rắn đâm lao ích gì,

    Lầu son gác tía mà chi,

Nếu lòng không được mọi bề khinh phiêu.

    Sống đời khinh khoát tiêu diêu,

Buông tay, đắm mắt: cũng điều thiên nhiên.

    Có chi mà sợ cùng phiền,

Chết là thoát tục, thành tiên ngại gì.

4. NHÂN GIAN THẾ (SỐNG TRÊN ĐỜI)

    Sống đời ở giữa thế gian,

Đừng đem dây rợ buộc ràng mà chi.

    Đừng có ỷ sở tri, sở học,

Mà tính toan xoay cuộc cờ đời.

    Trước khi muốn cảm hóa người,

Tâm linh trước phải tuyệt vời mới nên.

Tâm linh phải biết niềm chay tịnh.

Giữ cho lòng bình tĩnh hư vô,

    Nhà không ánh sáng hiện ra,

Lòng không sẽ thấy chói lòa trời cao.

Kìa Vũ, Thuấn xưa nào có khác,

Nọ Phục Hi cũng trạc thế thôi.

    Còn như đối đãi với đời,

Dẫu rằng quyền biến chớ sai tấc thành.

Đừng nóng nảy lo tranh lo chấp,

Đừng bon chen háo hức, say mê.

    Trước sau trang trọng đề huề,

Đừng đem nóng giận hại bề giao du.

Với người chớ khư khư cố chấp,

Phải lựa chiều tùy bậc tùy nơi,

    Dạy người không phải bẻ người,

Mà là uốn nắn lần hồi mới hay.

Muốn dại dụng chớ say tiểu dụng,

Đừng cho người thao túng đời ta.

    «Thao quang, hối đức» mới là,

Thần minh sau trước khôn qua lẽ này.

5. ĐỨC SUNG PHÙ

    Vương Bài nước Lỗ cụt chân,

Nhưng mà đệ tử đông bằng Trọng Ni.

Thường Quí lạ, mới đi ướm hỏi,

Hỏi Trọng Ni nông nổi trước sau.

    Vương Bài nào lạ chi đâu,

Lại thêm tàn tật lẽ nào tiếng tăm.

Trọng Ni đáp: Thánh nhân là thế,

Ngay Khưu này hồ dễ sánh vai.

    Ta còn muốn lấy làm thầy,

Hèn chi kẻ kém Khưu này theo chân.

Một nước Lỗ đã rằng chi lạ,

Ta muốn cùng thiên hạ đi theo.

    Họ thường gạn hỏi đến điều,

Con người như thế cao siêu thế nào.

Trọng Ni đáp: Biết bao cao cả,

Sống chết kia đâu há quan tâm.

    Trời long, đất lở rầm rầm,

Mà Ngài đâu có lộ phần xuyến xao.

Biết tính mạng, tiêu hao gốc ngọn,

Lòng lâng lâng nào bợn trần ai.

    Mặc cho muôn vật vần xoay,

Bởi vì chủ chốt trong tay đã cầm.

Thường Quí nói xin phân giải rõ,

Nghĩa huyền vi soi tỏ một phen.

    Đáp rằng: Vạn vật biến thiên,

Phải nhìn cho tỏ hai bên dị đồng.

Từ khác biệt mà trông vạn vật,

Thời chia phôi gan mật, Việt Ngô.

    Nhưng từ đồng điểm nhìn ra,

Muôn loài là một, phôi pha chưa từng.

Vui sống cõi hòa đồng của Đức,

Xếp một bên nhận thức ngũ quan.

    Sá chi mất một chân phàm,

Chẳng qua hòn đất ném tòm khác chi.

Dùng trí tuệ để suy tâm khảm,

Dùng tâm cơ nhàn lấm thường tâm.

    Đã tìm ra được Thiên quân,

Như hồ trong vắt chiếu cùng trời mây.

Như tùng bách tháng ngày tươi tốt,

Như Thuấn Vương đạo cốt Tiên phong.

    Thảnh thơi, điềm tĩnh ung dung,

Oai phong hùng dũng giữa vòng biến thiên.

Vì lòng họ gồm kiêm trời đất,

Lại cưu mang vạn vật sinh linh.

    Cũng là tai mắt thân hình,

Mà trong rực rỡ tâm linh huy hoàng.

Họ hiểu biết mênh mông vô tận,

Sống vô cùng, vô hạn từ bao.

    Ai theo nào khiến ai nào,

Con người thế ấy, nói sao cho cùng.

    Thiên chân ví ở cõi lòng,

Sá chi lành sất, hình dung bề ngoài.

    Tâm linh đường đã vạch rồi,

Sá chi mũ mãng, hán hài, công danh.

    Mở lòng rộng rãi mông mênh,

Trời kia đất nọ há dành riêng ai.

    Đừng nên đày đọa hình hài,

Đừng vì danh hão phí hoài tấm thân.

    Tại sao tù túng tinh thần,

Hãy nên khôn khéo gỡ lần vấn vương.

    Thái Hòa giữ vẹn «Tâm thường»,

Thất tình chớ để tổn thương tâm thần.

    Sự đời chất chưởng thăng trầm,

Lẽ trời đã thế bận tâm làm gì.

    Cùng người hoan lạc sầu bi,

Dung nhan ta đổi tùy nghi, tùy thời.

    Giữ sao cho vẹn lòng trời,

Đừng cho gió cuốn, sóng trôi tâm hồn.

    Thế là giữ được «tài toàn»,

Thế là đức hạnh chứa chan tuyệt vời.

    Dừng chân lòng dạ có nơi,

Ngoại thân nào quản hình hài nhỏ nhen.

    Hình người, lòng đã thành tiên,

Tình đời phải trái tần phiền sạch không.

    Với người tuy vẫn lộn sòng,

Với Trời kỳ thật hòa đồng từ bao.



6. ĐẠI TÔNG SƯ

Bài Đại Tông sư này gồm ba đề mục chính:

a. Chân nhân.

b. Đạo.

c. Nghệ thuật sống.

Vậy chương này sẽ có ba tiết bàn về những vấn đề trên.

a. Chân Nhân

    Biết trời mà biết cả người,

Đó là cái biết tuyệt vời thâm uyên.

    Biết trời mới biết căn nguyên,

Biết người mới biết chu tuyền tấm thân.

    Chân tri là bậc chân nhân,

Chân nhân mới được thông phần chân tri.

    Chân nhân khinh khoát huyền vi,

Há lo tranh chấp, há vì công danh.

    Trèo cao lòng cũng chẳng kinh,

Nước trào, lửa cháy, tâm linh chẳng sờn.

    Một lòng sau trước sắt son,

Lòng mang Đạo cả nào còn sợ chi.

    Chân nhân nằm ngủ chẳng mê,

Còn khi tỉnh thức muôn bề thảnh thơi.

    Chân nhân khác biệt người đời,

Niềm tràn phất phới, niềm trời sâu xa.

    Tử sinh nào khác chi là,

Đi vào chẳng thích, đi ra chẳng cần.

    Nhân tâm chẳng phá đạo tâm,

Ý trời há để lòng trần cản ngang.

    Cho nên dáng dấp đàng hoàng,

Tâm hồn bình thản dung quang sáng ngời.

    Vui buồn hợp nhất với Trời,

Mênh mông bát ngát, ai người dám so.

    Kinh quyền tùy tiện đẩy đưa,

Trời chiều, vả lại người ưa mới là.

b. Đạo

    Đạo trời hữu tính hữu hình,

Vô vi vả lại vô hình mới hay.

    Dễ truyền, khó bắt lạ thay,

Giữ thời giữ được, trông rày hẳn không.

    Tự sinh, tự bản vô cùng,

Có từ trời đất còn không có gì.

    Sinh trời sinh đất ra uy,

Quỉ thần âu cũng là tùy sở do.

    Cao cao vô tận, khôn dò,

Cao hơn Thái Cực vẫn cho là thường.

    Thẳm sâu sâu mấy ngàn muôn,

Sâu hơn vũ trụ mà nhường không hay.

    Lâu lai nào kể tháng ngày,

Trước trời, trước đất, lâu này lâu chi.

    Sống từ muôn thuở vẫn y,

Ngàn muôn tuổi thọ, đã gì già nua.

    Hi Di, Hoàng đế, Kiên Ngô,

Kham Phi, Chuyên Húc đã nhờ thần thông.

    Đạo trời soi sáng cõi lòng,

Mới thành Thần Thánh sống cùng trời mây.

    Lão Bành, Phó Duyệt nhờ tay,

Ngung Cường, Vương Mẫu may thay được người.

    Mới nên Thần Thánh tuyệt vời,

Ngự nơi Thiếu Quảng, chơi nơi Ngân Hà.

    Biết bao thỏ lặn, ác tà,

Hai vầng nhật nguyệt khôn qua Đạo Trời.

    Kìa như Bắc Đẩu thảnh thơi,

Cũng nhờ Đạo cả mới ngôi cửu trùng.

    Đạo Trời ngẫm thực vô cùng,

Biết bao quyền phép thần thông nhiệm mầu.

c. Nghệ thuật sống

    Ta nên sống thuận mệnh Trời,

Vấn đề sinh tử nên coi là thường.

    Hình hài chẳng vấn vương tấc dạ,

Vẻ bên ngoài biến hóa quản chi.

    Tồn vong sinh tử cũng y,

Chẳng qua máy tạo huyền vi an bài.

    Đời trần thế là đời mộng ảo,

Tỉnh với mơ lộn lạo khác chi,

    Tử sinh như ở với đi,

Như thay hình tướng có chi bận lòng.

Dù Nam, Bắc, Tây, Đông cũng vậy,

Trời bảo sao, ta hãy vui theo.

    Mặc cho ngoại cảnh xoay chiều,

Giữa lòng Tạo Hóa khinh phiêu thỏa tình.

Đem tâm gởi mênh mông bát ngát,

Thời tâm này mất mát làm sao?

    Muốn tìm ra Đạo chí cao,

Nếu không suy tưởng nhẽ nào tìm ra.

Hãy thâu lượm tinh hoa sử sách,

Hãy khơi tung nguồn mạch đáy lòng.

    Hư vô khi đã khai thông,

Rồi ra sẽ được huyền đồng chẳng sai.

Tìm Trời phải quên đời, quên cảnh,

Quên phù sinh, ảo ảnh bên ngoài,

    Tâm hồn khi hết pha phôi.

Mới mong rực rỡ ánh trời hiện ra.

Đã thấy Đạo, đâu là kim cổ,

Hết cổ kim vào chỗ trường sinh.

    Ham sinh thời lại điêu linh,

Phù sinh chẳng chuộng, thần linh ấy là.

Hãy cố gắng vượt qua nhân nghĩa,

Hãy quên đi nghi lễ của đời.

    Quên mình, quên cả hình hài,

Thông minh trí huệ, gác ngoài tâm linh.

Hãy hợp với vô hình, vô tượng,

Cùng Đại thông vô lượng sánh đôi.

    Thế là được Đạo được Trời,

Thoát vòng biến hóa muôn đời trường sinh…

Ai chỉ vẽ sự tình sau trước,

Ấy thầy ta đại lược cho ta.

    Thầy ta muôn vật điều hòa,

Mà nào kể nghĩa với là kể ơn.

Ban ân trạch cho muôn thế hệ,

Mà chưa hề lấy thế làm nhân.

    Trường tồn đã mấy muôn năm,

Mà chưa hề thấy có phần già nua.

Thầy ta chở cùng che trời đất,

Lại ra tay điêu khắc muôn loài,

    Thế mà một mực thảnh thơi,

Chưa hề có bảo là tài, là hay.



7. ỨNG ĐẾ VƯƠNG (Nghệ thuật trị dân)

Trị dân nước thế nào cho phải,

Làm sao cho quốc thái dân an.

    Bên ngoài lo lắng sửa sang,

Hay lo cảm hóa tâm can con người.

Sửa sang nghi thức bên ngoài,

Thực là tính chuyện vá trời đào sông.

    Lấy lòng dân nước làm lòng,

Nhu hòa điềm đạm, như không mới là.

    Đừng nên lận đận bôn ba,

Lao tâm khổ tứ cho ra thân tàn.

    Phải cho phong độ đàng hoàng,

Rồi ra mới đáng nêu gương cho người.

    Minh vương nghệ thuật tuyệt vời,

Công trùm thiên hạ mà coi như thường.

    Đức trời cảm hóa muôn phương,

Há cần dân phải lo lường nài van.

    Âm thầm gây dựng mối giường,

Để cho muôn vật an khương thái hòa.

    Riêng mình rũ bỏ phù hoa.

Vui trong Đạo cả cao xa tuyệt vời.

    Sống trong Vị thủy chơi vơi.

Cỡi chim «Khinh khoát» ra ngoài lục hư.

    Làng Vô hà hữu ngao du,

Sống trong «Vô hữu» lặng tờ tịch liêu.

    Vô vi như thể trời cao,

Vô vi trác tuyệt nói sao cho cùng.

    Bao trùm vô tận thinh không,

Mịt mù tông tích ai lùng cho ra.

    Tâm hồn gương sáng sáng lòa,

Chiếu soi muôn vật đâu là riêng tây.

    Vô vi hỗn độn ai hay,

Phẩm tiên chớ để lọt tay phàm trần…


Được sửa bởi Admin ngày 4/7/2015, 4:17 pm; sửa lần 11.
Về Đầu Trang Go down
https://quochochue6774.forumvi.com
Admin
Admin



Tổng số bài gửi : 842
Join date : 23/02/2014

TRANG TỬ NAM HOA KINH Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: TRANG TỬ NAM HOA KINH   TRANG TỬ NAM HOA KINH Empty1/4/2014, 11:14 am

Chương 12: Trời đất


1
 
Trời đất tuy rộng nhưng đều theo một luật biến hoá; vạn vật tuy nhiều nhưng điều theo một trật tự như nhau; nhân dân tuy đông nhưng đều do một ông vua cai trị. Vua theo cái Đức mà đạt được tự nhiên. Cho nên bảo: “Thời thượng cổ, vua vô vi mà trị thiên hạ, chỉ thuận theo đức tự nhiên của trời mà thôi”.
 
Theo đúng Đạo mà được địa vị thì ngôi vua là chính đáng, theo đúng Đạo mà định phận trên dưới thì nghĩa vua tôi được sáng; theo đúng Đạo mà xét tài năng thì quan chức làm tròn được bổn phận, nếu hết thảy đều theo Đạo thì vạn vật đều thuận ứng với tự nhiên.
 
Hợp nhất với trời là Đạo, thích ứng với đất là Đức, thực hiện ở vạn vật là Nghĩa; vua trị dân là làm tròn nhiệm vụ với quốc gia, tài năng khéo léo phát sinh ra công nghệ. Công nghệ ở trong nhiệm vụ của quốc gia, nhiệm vụ này gồm ở trong Nghĩa, Nghĩa gồm trong Đức, Đức ở trong Đạo, Đạo gồm ở trong Trời[1].   
 
Cho nên bảo: “Thời xưa, vua nuôi dân, không có dục vọng gì cả (vô dục) mà dân tự túc được; không làm gì cả (vô vi) mà vạn vật tự hoá; trầm tĩnh mà trăm họ an ninh”. Sách chép rằng: “Hiểu rằng đạo lí chỉ có một thì làm được mọi việc; mà vô tâm thì quỉ thần phải kính phục.[2]
 
2
 
Phu tử[3] bảo: “Đạo che và nâng đỡ vạn vật.[4] Nó mênh mông, vĩ đại thay. Người quân tử phải bỏ chủ kiến đi để hiểu nó. Làm với thái đô vô vi, đó là “trời”; nói với thái độ vô vi (nghĩa là không nói mà nói), đó là “đức”; yêu người và làm lợi cho vạn vật, đó là “nhân”; coi vạn vật đồng nhất thể, đó là “lớn” (đại); có thái độ không cao ngạo, không lập dị, đó là “khoan” (tinh thần rộng rãi); vạn vật tuy khác nhau mà có đủ ở ta, đó là “phú” (giàu); giữ được cái đức, đó là kĩ cương; đức mà thành, thế là có nhân cách (lập); cứ theo đạo mà làm, đó là được phòng bị [với mọi biến cố]; không vì vật mà ngã lòng, đó là giữ được đủ bản tính mình. Người quân tử hiểu được mười điều ấy thì thật là cao thượng; mọi vật sẽ qui phụ. Không khác gì vàng nằm ở trong núi, trân châu nằm dưới vực. Người như vậy không ham của cải, không gần kẻ phú quí, thọ không mừng mà chết yểu cũng không buồn, hiển đạt không cho là vinh, nghèo hèn không cho là nhục, dù làm chủ được của cải trên đời cũng không cho là của riêng mình, dù làm vua khắp thiên hạ cũng không cho là vinh hiển. Hiển thì sáng[5]. Vạn vật chỉ là một, sống với chết như nhau”.
 
3
 
Phu tử bảo: “Đạo yên lặng như cái vực, trong trẻo như dòng nước. Không có nó thì kim thạch không kêu được. Kim thạch chỉ kêu khi người ta gõ vào; vạn vật chỉ an định khi được một bậc chí đức cai trị. Bậc đó cứ theo tự nhiên, không thèm dùng trí để hiểu sự vật. Theo chân lí bản nguyên thì sáng suốt như thần mà đức được rộng lớn, cứ vô tâm, tuỳ theo vạn vật mà phản ứng.
 
Hình thể của ta sinh ra là nhờ Đạo; bản tính[6] của ta không có Đức thì không sáng. Giữ được hình thể [cho khoẻ mạnh tới già], giữ được bản tính cho thật sáng, lập được Đức, hiểu được Đạo, như vậy chẳng phải là bậc chí đức ư?
 
Rộng lớn thay, hốt nhiên hiện ra, hốt nhiên hành đồng[7] mà vạn vật qui phục, như vậy là bậc chí đức, [cai trị được nhân dân].
 
Bậc chí đức thấy được trong bóng tối, nghe được trong yên lặng. Trong chỗ mù mịt, chỉ người đó thấy được ánh sáng, trong sự yên lặng chỉ người đó thấy được hoà âm. Đã sâu sắc lại thêm sâu sắc, huyền diệu lại thêm huyền diệu, nên nuôi được vạn vật, phát được tinh hoa.
 
Tiếp ứng với vạn vật thì hư tâm mà cung cấp được nhu cầu cho chúng. Thuận thời mà thích ứng với mọi trường hợp: lớn nhỏ, ngắn dài, gần xa”.[8]
 
4
 
Vua Hoàng Đế đi chơi ở phía bắc Xích Thuỷ (dòng sông đỏ), leo lên núi Côn Lôn, khi định quay về phương nam thì thấy mất viên ngọc đen (tượng trưng đạo huyền vi), sai Trí (tượng trưng cho trí tuệ) tìm mà không thấy, lại sai Li Chu (tượng trung cho sự tinh mắt)[9] tìm mà cũng không thấy, lại sai Khiết Cấu (tượng trưng cho sự biện luận)[10] tìm mà cũng không thấy. Sau cùng sai Tượng Võng (tượng trưng cho sự vô tâm) thì thấy. Hoàng Đế bảo: “Tượng Võng mà tìm nó được thì lạ thật!”.
 
5
 
Thầy của vua Nghiêu là Hứa Do, thầy của Hứa Do là Niết Khuyết, thầy của Niết Khuyết là Vương Nghê, thầy của Vương Nghê là Bị Y[11].
 
Vua Nghiêu hỏi Hứa Do:
 
- Ông Niết Khuyết có thể làm thiên tử được không? Nếu được thì tôi nhờ ông Vương Nghê mời ông ấy lại đây.
 
Hứa Do đáp:
 
- Như vậy sẽ nguy hại cho thiên hạ vì ông Niết Khuyết là người thông minh tài trí, mẫn tiệp, chỉ tính hơn người, lại muốn dùng trí tuệ của người để phục hồi bản tính tự nhiên, hăng hái diệt lỗi lầm của người mà không hiểu được nguyên nhân những lỗi lầm ấy. Để ông ấy trị thiên hạ thì ông ấy sẽ tin ở sức người mà quên thiên nhiên đi. Ông ấy sẽ lấy bản thân ra làm gương, dùng trí tuệ để gấp đạt kết quả. Ông ấy sẽ bị sự việc sai khiến, bị ngoại vật câu thúc; ông ấy sẽ thích ứng với mọi vật mà muốn hợp với mọi người, chịu mọi ảnh hưởng mà cứ thay đổi hoài. Như vậy thì sao đáng được cai trị thiên hạ? Ông ấy có pháp độ, có căn bản[12], có thể cai trị một đám dân, nhưng không thể hướng dẫn những người cầm quyền[13]. Dùng trí thì gây được trật tự mà cũng gây nên loạn, cho nên dùng ông ấy làm bề tôi thì sẽ hoạ, mời ông ấy làm vua thì sẽ tàn mạt.
 
6
 
Vua Nghiêu đi quan sát miền Hoa. Viên quan giữ biên cương ở đó chào đón:
 
- Ngài là thánh nhân, tôi xin chào thánh nhân, chúc thánh nhân trường thọ.
 
Vua Nghiêu đáp: 
 
- Tôi không muốn thọ.
 
- Tôi xin chúc thánh nhân giàu có.
 
- Tôi không muốn giàu.
 
Lại chúc nhiều con trai, vua Nghiêu cũng không muốn. Viên quan đó bèn hỏi:
 
- Ai cũng muốn được thọ, giàu, nhiều con trai, mà riêng ngài không muốn là tại sao?
 
Vua Nghiêu đáp:
 
- Nhiều con trai thì lo sợ nhiều, giàu thì bận rộn (đa sự), thọ thì bị nhục nhiều. Ba cái đó không giúp ta nuôi cái đức được; nên ta từ chối.
 
- Lúc nãy tôi coi ông là một thánh nhân, bây giờ mới biết chỉ là hạng quân tử thường thôi. Trời sinh ra con người, giao cho mỗi người một chức phận. Ông có nhiều con mà giao cho mỗi con một chức phận thì có gì đâu mà sợ nhiều? Ông giàu có mà phân phát của cải cho người khác thì sao còn bận rộn? Thánh nhân thì ở như con chim “thuần”, ăn thì như con chim con,[14]đi đâu thì không để dấu vết như con chim bay, thiên hạ mà bình trị thì cùng hưởng cảnh thịnh vượng với mọi người, thiên hạ mà loạn lạc thì sửa đức mà ẩn cư. Sống ngàn năm rồi, chán cõi trần thì lên tiên, cưỡi đám mây trắng mà tới cõi Thượng Đế. Ba cái tai hoạ [ông kể đó] không xảy ra, thân thể không hoạn nạn, thì sao mà nhục được?
 
Nói xong, viên quan ấy bỏ đi. Vua Nghiêu chạy theo, bảo:
 
- Cho tôi hỏi vài lời đã.
 
Đáp:
 
- Tôi đi đây.
 
7
 
Khi vua Nghiêu trị thiên hạ, phong Bá Thành Tử Cao làm chư hầu; rồi vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, vua Thuấn lại truyền ngôi cho ông Vũ, Bá Thành Tử Cao bèn bỏ chức chư hầu mà về cày ruộng. Ông Vũ lại thăm, thấy ông ta đương cày ruộng, cung kính lại gần, đứng phía dưới gió, thưa:
 
- Xưa vua Nghiêu trị thiên hạ, phong ông làm chư hầu; rồi vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, vua Thuấn truyền ngôi cho tôi, ông bèn bỏ chức chư hầu và về cày ruộng, dám xin ông cho biết tại sao?
 
Tử Cao đáp: 
 
- Xưa vua Nghiêu trị thiên hạ, không khen thưởng ai mà dân chúng đều gắng sức [làm điều thiện], không trừng phạt ai mà dân sợ. Ông dùng thưởng phạt mà dân lại bất nhân, đạo đức suy vi, do đó phải đặt ra cực hình. Đời sau mà loạn là bắt đầu từ đây. Thôi ông đi đi, để tôi làm việc.
 
Nói xong, Tử Cao lại cặm cụi làm ruộng, không ngó ngàng tới ông Vũ nữa.
 
8
 
Thời khởi thuỷ, chỉ có cái “vô”, [không có cái “hữu”], cái “vô” không có tên[15]. Từ cái “vô” sinh ra cái “một” trước hết[16], cái “một” không có hình tích. Vạn vật lại từ cái “một” sinh ra, cho nên gọi nó là “Đức”.
 
Cái chưa có hình tích đó phân biệt ra âm dương, âm dương lưu thâng không ngừng, gọi là “mệnh”. Âm dương lưu động mà sinh vạn vật, vật thành rồi thì gọi là “hình”. Hình thể bảo vệ tinh thần, hai cái đó có qui tắc riêng, gọi là “tính”. Ai sửa tính của mình thì trở về với “Đức”. Đức mà tới cực điểm thì hợp nhất với trời đất thời khởi thuỷ mà nhập vô cảnh giới hư không. Cảnh giới hư không rất lớn. Nó như con chim hồn nhiên hót, nó đồng nhất với vũ trụ. Đồng nhất với vũ trụ, cho nên nó như ngu muội, tối tăm, gọi là “huyền đức” (đức huyền vi). Nó với tự nhiên là một. 
 
9
 
[Khổng] phu tử nói với Lão Đam:
 
- Có người tìm hiểu đạo bằng cách ngược đời: cái có thể được (khả) thì bảo là không thể được (bất khả), cái như vậy thì bảo là không phải vậy. Người ta biện luận như vầy: “Phân biệt sự cứng và sự trắng [của một phiến đá] như treo riêng mỗi cái trên không trung”[17]. Người như vậy gọi là thánh được không?
 
Lão Đam đáp:
 
- Hạng người như vậy chỉ như hạng tôi tớ hay thợ, bị luỵ vì cái kĩ năng của mình mà lao thân, khổ tâm mà thôi. Chó vì giỏi bắt chồn mà bị hoạ, khỉ vì nhanh nhẹn mà bị bắt ra khỏi rừng. Khâu (tên Khổng Tử), tôi cho anh hay một điều mà chưa ai nói, mà chính anh diễn cũng không được. Không thiếu gì người có đủ thân thể từ đầu tới ngón chân mà không có tim, không có tai (nghĩa là không có tinh thần). Họ không hiểu được rằng cái có hình thể với cái không có hình thể (tức cái trừu tượng) không thể đồng thời tồn tại được[18]. Chẳng hạn động rồi ngừng, sinh rồi chết, suy rồi thịnh, là do Đạo, mà chúng ta không sao biết được nguyên nhân. Đặt cho nguyên nhân trước sau là do người. Người nào quên được ngoại vật, quên cả thiên nhiên, tức là quên mình thì hoà hợp với tự nhiên.  
 
10
 
Tương Lư Miễn lại thăm Quí Triệt, thưa:
 
- Vua Lỗ hỏi ý kiến tôi về thuật trị nước. Tôi không từ chối được nên phải đáp, không biết đúng hay không, xin trình lại với ông. Tôi nói với vua Lỗ: “Phải cung kính và tiết kiệm, đề bạt những người công tâm, trung chính, không che chở những kẻ a dua với mình, như vậy không ai đám trái mình”.
 
Quí Triệt cười sằng sặc, đáp: 
 
- Ông khuyên các vua chúa như vậy [mà họ theo ông] thì không khác gì con bọ ngựa đưa hai cái càng lên để cản chiếc xe, làm sao cản nổi mà còn nguy vào thân nữa. Vua Lỗ mà nêu cao những đức ấy để dùng người thì số người tự tiến thân rất đông.
 
Tương Lư Miễn ngạc nhiên, bảo:
 
- Tôi không hiểu ý ông, xin ông chỉ cho tôi đại cương đạo của ông.
 
Quí Triệt đáp:
 
- Bậc đại thánh trị dân thì giải phóng lòng dân [nghĩa là không bó buộc họ], giáo dục họ bằng cách sửa đổi phong tục, diệt mầm xấu của họ và để họ tuỳ theo khuynh hướng của họ. Như vậy họ theo bản tính tự nhiên mà không hiểu tại sao. Trị dân như vậy thì đâu có trọng phương pháp dạy dân của Nghiêu, Thuấn mà bắt chước hai ông đó. Chỉ hoà đồng với cái Đức mà lòng tự nhiên được yên.
 
11
 
Tử Cống (một môn đệ của Khổng Tử) sau khi xuống nước Sở ở phương Nam, trở về Tấn, đi qua đất Hán Âm, thấy một ông lão đương làm vườn. Ông ấy xuống một đường hầm, vô một cái giếng, rồi xách một vò nước để tưới rau. Cực nhọc mà kết quả chẳng được bao. Tử Cống nói với ông Lão:
 
- Có một cái máy một ngày có thể tưới được một trăm luống rau, cụ muốn dùng không?
 
Ông lão ngững lên nhìn Tử Cống, hỏi:
 
- Cái máy ấy ra sao?
 
- Máy ấy bằng gỗ đục, phía sau nặng, phía trước nhẹ, đưa [vò] nước lên như thể kéo bằng tay vậy, mau như nước sôi tràn nồi. Tên nó là cái “cao”[19].
 
Ông lão làm vườn nghe xong, nổi giận, đỏ mặt lên, cười nhẹ, bảo:
 
- Lão nghe thầy lão nói rằng hễ dùng cơ giới thì tất có cơ tâm (lòng máy móc), có cơ tâm thì không còn thiên tính trong trắng nữa mà tâm thần không yên ổn, tâm thần không yên ổn thì Đạo sẽ lánh xa, không che chở mình nữa. Lão không phải không biết cái lợi của cơ giới, nhưng cho dùng nó là nhục, thế thôi.
 
Tử Cống xấu hổ, cúi đầu không đáp. Một lát sau, ông lão làm vườn mới hỏi:
 
- Chú là ai?
 
- Thưa, một môn đệ của Khổng Khâu.
 
- Chú phải thuộc hạng người muốn học cho rộng để đòi làm ông thánh, hô hào để thiên hạ theo mình, gãy đàn, ca hát than thở để chuốc danh đấy không? Chú nên quên thần khí, bỏ hình hài của chú đi thì may ra mới gần được Đạo. Thân chú, chú còn không “trị” được thì làm sao trị được thiên hạ? Thôi đi đi, để lão làm việc.
 
Tử Cống xấu hổ, tím mặt lại, sợ sệt. Không trấn tỉnh lại được ngay. Đi ba chục dặm rồi tâm thần mới định.
 
Bọn đệ tử hỏi Tử Cống:
 
- Người lúc nãy là ai vậy? Tại sao thầy biến sắc suốt ngày như vậy?
 
Tử Cống Đáp:
 
- Trước kia ta cho rằng trong thiên hạ chỉ có mỗi một người [là Khổng Tử], không ngờ còn ông lão này. Ta nghe thầy ta dạy: “Hành động thì phải hợp với thời cơ, công nghiệp thì phải tính sao cho thành công. Dùng sức ít mà kết quả nhiều, đó là đạo của thánh nhân”. Lời của ông lão nay khác khác hẳn; [ông ấy khuyên] hễ giữ được Đạo thì cái Đức mới toàn vẹn, Đức toàn vẹn thì hình thể mới toàn vẹn, hình thể toàn vẹn thì tinh thần được toàn vẹn. Giữ cho tinh thần toàn vẹn là đạo của thánh nhân. Thánh nhân sống tạm ở đời này cũng như mọi người, không biết [chết rồi] về đâu. Thật là hoàn toàn trong sạch. Người nào chỉ nghĩ tới cái lợi mà dùng cơ giới là không giữ được cái tâm như ông lão ấy. Ông ấy chỉ theo ý chí của mình, hành động theo lòng mình. Dù được cả thiên hạ khen vả theo lời mình, ông ấy cũng thản nhiên; dù bị thiên hạ chê là lời ông ấy không theo được, ông ấy cũng không buồn. Khen hay chê cũng không làm ông ấy thay đổi gì cả, như vậy là toàn đức. Ta chỉ là hạng người dễ bị ảnh hưởng của người khác như làn sóng dưới gió. 
 
Về tới Lỗ, Tử Cống kể lại chuyện ấy với Khổng Tử. Khổng Tử bảo: “Người đó hiểu lầm đạo thuật của thời nguyên thuỷ hỗn mang. Người đó biết một mà không biết hai, biết trị nội tâm mà không biết trị ngoại vật. Giữ cái tâm sáng suốt, chất phác, vô vi để trở về với tự nhiên, giữ được bản tính và tinh thần, ngao du trong cõi thế tục, cái đó có gì cho anh ngạc nhiên? Đạo thuật của thời nguyên thuỷ hỗn mang, có đáng gì cho thầy trò mình biết?”.
 
12
 
Tối-tăm-dày-đặc đi ra biển lớn, gặp Gió-lốc ở bờ biển Đông. Gió-lốc hỏi:
 
- Anh đi đâu vậy?
 
Tối-tăm-dày-đặc đáp:
 
- Ra biển lớn.
 
- Để làm gì?
 
- Biển lớn là chỗ nước đổ vào bao nhiêu cũng không đầy, tát đi bao nhiêu cũng không cạn. Tôi muốn đi chơi cho biết.
 
Gió-lốc bảo:
 
- Tuy ông không để mắt gì tới dân chúng, nhưng tôi cũng xin ông cho nghe cái đạo của thánh nhân.
 
- Thánh nhân trị dân như vầy: đặt ra các chức quan theo nhu cầu, giao chức vụ tuỳ theo tài năng của mỗi người, hiểu hết sự tình của dân và thuận theo khuynh hướng của dân mà làm. Người trị dân mà nói và làm đúng theo qui tắc ấy thì dân tự nhiên cảm hoá. Chỉ đưa ngón tay lên hay liếc mắt mà dân chúng bốn phương đều qui phụ. Đó là đạo trị dân của thánh nhân.
 
Gió-lốc lại hỏi:
 
- Xin ông cho nghe hành vi của người có đức.
 
- Người có đức ở không thì không nghĩ gì cả, hành động thì không lo lắng gì cả; không phân biệt phải trái, đẹp xấu. Dân bốn bể được lợi là người ấy vui rồi, dân bốn bể đủ ăn mặc là người ấy yên tâm rồi. Không biết nhờ cậy ai như em bé mồ côi mẹ, hoang mang như người đi lạc đường. Có của cải, thức ăn mà không biết do đâu. Như vậy là người có đức.
 
- Bây giờ xin ông nói cho nghe về bậc thần nhân. 
 
- Bậc thần nhân siêu việt thì cưỡi ánh sáng, cho nên hình thể không có dấu vết. Như vậy là chiếu sáng khắp vũ trụ. Tận dụng sự phú bẩm của mình, phát triển hết bản tính của mình. Cùng vui với trời đất mà không luỵ về việc đời. Vạn vật trở về bản nguyên. Như vậy là hợp nhất với trạng thái hỗn mang nguyên thuỷ.
 
13
 
Môn Vô Quỉ và Xích Trương Mãn Kê coi đoàn quân của vua Vũ diễn qua. Xích Trương Mãn Kê bảo:
 
- Vua Vũ kém vua Thuấn, cho nên phải dùng đến cái [mầm] tai hoạ này (tức binh đội).
 
Môn Vô Quỉ hỏi:
 
- Nhưng khi vua Thuấn lên ngôi, thiên hạ đã bình trị rồi ư? Hay thiên hạ đang loạn mà vua Thuấn bình trị được?[20]
 
- Nếu thiên hạ bình trị rồi thì đâu phải nhờ tới vua Thuấn? Ống Thuấn đã đắp thuốc lên đầu một vết thương ở đầu, đội tóc mượn lên cái đầu hói. Có đau mới mời thầy thuốc. Người con có hiếu đem thuốc lại dâng cha hiền mà mặt rầu rầu. Thánh nhân thấy vậy làm nhục[21]. 
 
Thời chí đức thì người ta không trọng người hiền, không dùng người tài giỏi. Người cầm quyền như những cành cao (nghĩa là ở trên mọi người), dân [tự do, vui vẻ] như con hươu trên đồng. Ai nấy đều đoan chính mà không biết như vậy là hợp nghĩa; đều yêu nhau mà không biết như vậy là có đức nhân; đều thành thực mà không biết như vậy là trung thành; đều giữ lời mà không biết như vậy là có đức tín; đều giúp đỡ nhau mà không biết như vậy là làm ơn cho nhau. Vì vậy mà hành vi của họ không để lại hình tích gì cả, sự nghiệp của họ không được truyền lại.
 
14
 
Người con có hiếu không a dua với cha mẹ, người bề tôi trung không nịnh bợ vua. Làm con và bề tôi như vậy là được.
 
Nếu cha mẹ nói gì con cũng nhận là phải, làm gì con cũng khen là tốt, thì người ta cho là đứa con hư; nếu vua nói gì bề tôi nhận là phải, làm gì bề tôi cũng khen là tốt, thì người ta cho là hạng bề tôi xấu. Người ta thường phán đoán như vậy mà không biết như vậy đúng hay sai. Nhưng nếu có ai nhận là phải điều gì mà mọi người nhận là phải, khen là tốt việc gì mà mọi người khen là tốt, thì lại không mang tiếng a dua, nịnh bợ. Như vậy thì chẳng hoá ra kính trọng người đời hơn cha mẹ cùng vua của mình ư? Nếu có ai bảo ta là a dua, nịnh bợ thì ta nổi giận, đỏ mặt lên, vậy mà ta suốt đời a dua, nịnh bợ người đời. Này nhé, chúng ta so sánh, dùng lời hoa mĩ để được nhiều người đứng về phía mình, thế mà trước sau chẳng ai trách ta cả; chúng ta trang sức y phục, tô điểm màu sắc, trao chuốc dung mạo, để làm vui lòng mọi người, vậy mà không tự nhận mình là a dua, nịnh bợ. Người nào chỉ bắt chước người khác, phụ hoạ với họ, họ cho là phải mình cũng cho là phải, họ cho là trái mình cũng cho là trái, người nào như vậy mà không tự nhận mình thuộc đám quần chúng, thì thật chí ngu.
 
Người nào nhận mình là ngu chưa phải là đại ngu, người nào nhận mình là mê hoặc thì chưa phải là rất mê hoặc. Người nào rất mê hoặc thì không bao giờ tỉnh ngộ được; người nào đại ngu thì trọn đời không bao giờ sáng suốt được.
 
Ba người cùng đi mà có một người mê hoặc thì còn có thể đi tới chốn được vì số mê hoặc ít hơn số người sáng suốt. Nếu hai người mê hoặc thì mệt nhọc mà không sao tới chốn được, vì số người mê hoặc nhiều hơn số người sáng suốt.
 
Ngày nay, cả thiên hạ mê hoặc, tôi có muốn tìm đúng đường đi cũng không được. Buồn thật.
 
Hạng người thường không hiểu nổi thứ âm nhạc cao nhã, mà nghe những bài “Chiết liễu” (Bẻ liễu), “Hoàng hoa” (Hoa rực rỡ) họ thích thú và cười. Cũng vậy, những lời thanh cao không làm cảm động được hạng người thường, những lời cực cao không thể phát ra được vì bị những lời thế tục át mất. Như tới ngã ba, không biết theo đường nào[22] thì không thể tới chốn được. Ngày nay, cả thiên hạ mê hoặc, tôi có muốn tìm đúng đường cũng không biết làm sao tìm được? Biết rằng không thể được mà cứ miễn cưỡng tìm nó cho được thì cũng lại là mê hoặc nữa. Không bằng bỏ mặc mà không tìm gì cả, không tìm gì cả thì ai là người cùng lo buồn với tôi?[23] Một người đàn bà cùi nửa đêm sanh con, vội vàng đem đèn lại coi xem nó có giống mình không.[24]
 
15
 
Cây trăm năm cưa ra làm chén thờ sơn xanh sơn vàng, còn gỗ dư đem ném xuống hào. So sánh những chén thờ và gỗ dưới hào ấy thì đẹp xấu khác nhau xa nhưng đều là mất bản tính cả. Đạo Chích với Tăng Sâm, Sử Ngư cũng vậy, tuy khác nhau về đức hạnh, nghĩa khí nhưng cũng mất bản tính như nhau.
 
Có năm cách mất bản tính: 1- ngũ sắc làm loạn mắt mà mắt hoá mờ, 2- ngũ âm làm loạn tai mà tai hết thính, 3- năm mùi làm nghẹt mũi mà xông lên tới óc, 4- ngũ vị làm dơ miệng mà miệng lạt đi, không nếm được nữa, 5- thích và ghét làm loạn cái tâm mà tâm tính hoá ra phù táo (dễ nóng nảy). Năm loại đó đều làm hại bản tính. Vậy mà Dương Chu và Mặc Địch lại dụng tâm biểu hiện tài năng, cho mình là đắc ý. Tôi không nghĩ vậy. Đắc ý mà bị khốn, còn bảo là đắc ý được nữa không? Bảo là được thì như con chim cưu, con chim hào ở trong lồng kia, cũng có thể bảo là đắc ý được. Cũng vậy, hạng người bị sự thích và ghét thanh sắc làm tắc nghẽn nội tâm, bị mũ da, mũ lông, cái hốt, cái đai, quan trùng áo dài và các đồ trang sức trói buộc hình hài, mà nội tâm thì bị tắc nghẽn, rào kín, như thể bị dây lớn ràng buộc cũng có thể cho là đắc ý được; mà bọn tội nhân bị trói tay cột chân, các con hổ con báo bị nhốt trong chuồng, cũng có thể tự coi là đắc ý nữa. 
 
*
 
(Chương này và hai chương sau có nhiều điểm giống nhau nên sẽ có nhận định chung ở cuối chương XIV). 

 
Chú thích:


[1] Vì có câu ở dưới, nên một nhà chú giải Trang tử, Vương Thục Mân bảo nguyên văn chép lộn. Không phải là: “thông ư thiên địa giả, Đức dã; hành ư vạn vật giả, Đạo dã”. Nên sửa là:“thông ư thiên giả, Đạo dã; thuận ư địa giả, Đức dã; hành ư vạn vật giả, nghĩa dã”. Và các bản dịch bây giờ đều theo Vương.
[2] Bài này mỗi sách giảng một khác. Chẳng hạn câu cuối, nguyên văn là: “Thông ư nhất nhi vạn sự tất, vô tâm đắc nhi quỉ thần phục”. L.K.h. dịch: Hiểu được sự đồng nhất nguyên thuỷ thì thành công trong mọi việc; không có thành kiến thì quỉ thần kính phục. Tôi nghĩ “nhất” đó là đạo vô vi, mà “vô tâm” tức là “vô dục” trong câu trên. 
[3] Không rõ ai. Có sách bảo là Lão tử hay Khổng Tử; có sách bảo là Trang tử.
[4] Có sách khép dấu ngoặc kép ở đây, có sách tới cuối bài mới khép dấu ngoặc kép.
[5] Nguyên văn: hiển tắc minh. Nghĩa từng chữ: có danh vọng thì sáng. L.K.h. dịch là: ai tự cho mình có danh vọng thì tất phô trương ra. Giảng như vậy gượng quá. Các sách khác giảng cũng không xuôi. Chẳng hạn H.C.H. giảng là: hiển thì sáng suốt, không phân biệt mình và vạn vật. Tiền Mục ngờ rằng ba chữ đó chỉ là lời chú thích của người đời sau.
[6] Chữ sinh ở đây phải đọc là tính.
[7] Nghĩa là vô tâm, cứ thuận theo thiên nhiên.
[8] Có sách bảo ở đây mất mấy chữ, nên nghĩa không rõ.
[9] Li Chu là người rất tinh mắt, ngoài trăm thước thấy được đầu lông mùa thu. – Có thể hiểu là tượng trưng cho trực giác.
[10] Có sách giảng là tượng trưng cho sự phân tích, nghĩa cũng vậy.
[11] Về ba nhân vật Niết Khuyết, Vương Nghê, Bị Y, coi chú thích bài 1 chương VII. Niết Khuyết tượng trưng cho trí tuệ phân tích.
[12] Nguyên văn: hữu tộc, hữu tổ (có họ hàng, tổ tiên), mỗi sách giảng một khác.
[13] Nguyên văn: bất khả dĩ vi chúng phụ phụ: không thể làm cha của bậc cha dân.
[14] Có sách chú giải con chim “thuần” ở không có chỗ nhất định, chim con được chim mẹ mớm cho. Có lẽ tác giả muốn nói “thánh nhân” nay đây mai đó, tới đâu cũng được người ta cung cấp cho, ăn uống rất ít.
[15] Lão tử đã nói: Vô danh, thiên địa chi thuỷ (cái không có tên là nguồn gốc của vạn vật)
[16] Lạo tử đã nói: Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật.  
[17] Nguyên văn: Li kiên bạch, nhược huyền ngụ. Mỗi nhà giảng một khác. Tôi theo Nghiêm Phục. Cứng và trắng, hai cái đó đều thuộc vào một phiến đá mới thấy – nghĩa là phải thuộc vào một cái gì cụ thể. Nay tách chúng ra khỏi phiến đá, chúng thành ra trừu tượng, như vậy thì không khác gì treo chúng lên không trung. L.K.h. dịch là: Có thể phân biệt sự cứng và sự trắng của một phiến đá cũng dễ dàng như như phân biệt những vật treo trong nhà.
[18] Cả đoạn này, mỗi sách giảng một khác, mà đều không xuôi. Người viết bài này không biết rằng thời Khổng Tử chưa có thuyết “li kiên bạch” ư? Hay là biết mà bất chấp lịch sử?
[19] Tức cây “cần vọt” thường dùng ở miền Trung, Đông Nam Kì (BT).
[20] Có lẽ tác giả muốn nói: hễ loạn thì phải dùng binh, phải dùng binh hay không dùng binh là do hoàn cảnh, chứ không nhứt định rằng ông vua không phải dùng binh là một vua hiền.
[21] Nghĩa là thánh nhân trị nước không để cho tới nổi loạn mà phải dùng binh, cũng như để tới đau rồi phải dùng thuốc.
[22] Nguyên văn: dĩ nhị thuỳ chung hoặc. Các sách Trung Hoa đều giải thích như vậy. L.K.h. chắc theo một bản trong đó chữ chung viết là chúng (gót chân) nên dịch là: treo gót chân lên không thì làm sao tới chốn được.
[23] L.K.h. dịch là: không bằng bỏ mặc, đừng kích thích đời nữa, mà an tâm sống với nó. Nguyên văn: Thuỳ kì tỉ ưu?
[24] Câu cuối bài này, Nghiêm Phục bảo là một đoạn riêng, không liên quan gì với cả bài.
Về Đầu Trang Go down
https://quochochue6774.forumvi.com
 
TRANG TỬ NAM HOA KINH
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Trang Tử 1. Sơ Yếu Cuộc Đời
» quả đu đủ xanh chữa sỏi thận sỏi mật và Tố nữ kinh

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Trang Lưu Trữ Hình Ảnh :: NỀN TẢNG GẮN KẾT :: NỀN TẢNG GẮN KẾT-
Chuyển đến